Giấy phép kinh doanh là gì?
Giấy phép đăng kí kinh doanh là giấy cho phép các cá nhân, các tổ chức hoạt động kinh doanh, khi đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký kinh doanh theo những quy định của pháp luật hiện hành. Theo Luật doanh nghiệp 2020, đối với các doanh nghiệp trong nước thì ngành nghề đăng ký sẽ không hạn chế ngoại trừ kinh doanh ngành nghề có điều kiện.
Đặc điểm giấy phép kinh doanh
- Giấy phép kinh doanh là một trong những cơ sở pháp lý để cá nhân hay tổ chức được phép hoạt động kinh doanh một số ngành nghề nhất định.
- Là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp về việc doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề nhất định, là cơ sở để cơ quan quản lý dễ dàng, kiểm soát được hoạt động kinh doanh của các ngành nghề có điều kiện kiểm soát nghĩa vụ thuế.
Nội dung của Giấy phép kinh doanh
Nội dung giấy phép kinh doanh sẽ tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh, loại giấy mà bạn định xin phép. Thông thường giấy phép kinh doanh bao gồm các nội dung sau:
- Tên doanh nghiệp bao gồm tên đầy đủ và tên viết tắt, tên nước ngoài
- Mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số xuất nhập khẩu
- Địa chỉ trụ sở chính và người đại diện theo pháp luật;
- Ngành nghề kinh doanh
- Phạm vi các hoạt động kinh doanh;
- Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
- Thời hạn của giấy phép bao gồm ngày cấp
- Các nội dung khác được cập nhật
Doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh sẽ có những lợi ích nhất định như sau:
- Khi có giấy phép đăng ký kinh doanh, các hoạt động của doanh nghiệp sẽ được nhà nước cho phép hoạt động và bảo vệ. Đây là bước cần thiết mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần làm để thuận tiện cho công việc kinh doanh.
- Giấy phép kinh doanh thường dùng cho những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật có quy định điều kiện. Bên cạnh đó, các hoạt động như vận tải quốc tế, mua bán xuất khẩu hàng hóa… để xuất hóa đơn đỏ thì cần có giấy phép kinh doanh.
- Giấy phép kinh doanh cũng thể hiện tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, khẳng định được doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, đáp ứng được các điều kiện hoạt động kinh doanh tối thiểu theo quy định cũng như khẳng định quy mô doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng với khách hàng.
- Giấy phép kinh doanh thể hiện rõ ràng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là hợp pháp, như vậy việc giao dịch, kinh doanh, các hoạt động khác của doanh nghiệp sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.
- Bên cạnh tạo được sự tin tưởng cho khách hàng từ giấy phép kinh doanh thì doanh nghiệp còn tạo được sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp lớn. Từ đó, mở rộng cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư…
- Doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh sẽ nhận được các ưu đãi từ nhà nước như hỗ trợ vay vốn, trừ thuế, hỗ trợ và bảo vệ bằng pháp luật…
- Khi được cấp giấy phép, doanh nghiệp sẽ thuận tiện hơn trong hoạt động kinh doanh, như vậy sẽ có nhiều thời gian trong công cuộc xây dựng và phát triển. Phát triển hoạt động kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững vị thế trên thị trường.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh
- Doanh nghiệp sẽ tiến hành xin cấp giấy phép kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ – Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.
- Đối với xin cấp giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh thì chủ thể đăng ký sẽ nộp hồ sơ tại phòng chuyên môn của UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Lưu ý đặc biệt về giấy phép kinh doanh
Cần tránh hiểu nhầm giấy phép kinh doanh trong bài viết này đề cập đến không phải là Giấy phép kinh doanh cấp cho cơ sở bán lẻ hàng hóa, lập cơ sở bán lẻ hàng hóa của công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh
Bước 1: Lựa chọn hình thức cho doanh nghiệp
Hình thức doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành lập, hoạt động và quá trình phát triển xuyên suốt của doanh nghiệp. Vì thế, lựa chọn hình thức doanh nghiệp sẽ rất quan trọng và cần được xem xét một cách kỹ lưỡng.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam có quy định về các loại hình doanh nghiệp với những đặc điểm khác nhau:
- Công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên.
- Công ty cổ phần.
- Công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân
Mặc dù loại hình doanh nghiệp khác nhau nhưng quy trình, thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh sẽ giống nhau.
Bước 2: Đặt tên và xác định trụ sở cho doanh nghiệp
- Tên doanh nghiệp phải không trùng, không tương tự hay gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác.
- Địa chỉ trụ sở công ty phải rõ ràng, không là tòa nhà có chức năng để ở trừ trường hợp là tầng trệt hoặc tòa nhà mục đích thương mại.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh
Tùy từng loại hình doanh nghiệp, chủ thể sẽ tiến hành soạn thảo hồ sơ với những thành phần khác nhau theo quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Bước 4: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết thủ tục và nhận kết quả.
- Hồ sơ được lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chủ thể đăng ký cần phải theo dõi để chỉnh sửa bổ sung hồ sơ khi có yêu cầu.
- Sau khoảng 3 – 5 ngày làm việc từ khi đủ hồ sơ hợp lệ, chủ thể sẽ được cấp giấy phép kinh doanh.