Mục lục bàiviết

  • 1. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì?
  • 2. Những dự án nào phải xin Giấy chứng nhận đầu tư
  • 3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Châu Á nói chung và đối với Việt Nam nói riêng đang là nơi hướng đến của nhiều nhà đầu tư trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay bởi môi trường kinh tế sôi động và đang trên đà phát triển. Bên cạnh những vấn đề về tài chính, thì khi đầu tư tại Việt Nam thì các doanh nghiệp cũng phải chú ý đến thủ tục pháp lý về đăng ký đầu tư. Và Cơ quan có thẩm quyền cấp Giầy chứng nhận đăng ký đầu tư là vấn đề được các nhà đầu tư khá để tâm.

1. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì?

Căn cứ tại khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư 2020  thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được định nghĩa như sau:

giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.”

Thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án được ghi nhận bao gồm:

– Tên dự án đầu tư

– Nhà đầu tư

– Mã số dự án đầu tư

– Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng

– Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư

– Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động)

– Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư

– Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm: Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư, trường hợp dự án án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ của từng giai đoạn

– Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có)

– Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).

Như vậy có thể hiểu Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một loại giấy phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư đồng thơi là điều kiện để nhà đầu tư thực hiện đầu tư tại Việt Nam.

2. Những dự án nào phải xin Giấy chứng nhận đầu tư

Theo khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2020 quy định:

Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm: 

a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; 

b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.

Và cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 cụ thể như sau:

Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại khoản a Điều này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn phụ thuộc vào dự án đầu tư đó có cần chấp thuận chủ trương đầu tư hay không:

– Dự án đầu tư cần chấp thuận chủ trương đầu tư và phải thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì thực hiện chủ trương đầu tư trước rồi mới thực hiện cấp giấy đăng ký đầu tư.

– Dự án đầu tư không cần chấp thuận chủ trương đầu tư và phải thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì chỉ cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự án đầu tư cần chấp thuận chủ trương đầu tư và thẩm quyền chấp thuận được quy định cụ thể tại Điều 30, 31 và Điều 32 Luật Đầu tư 2020, được sửa đổi bổ sung năm 2022 như sau:

* Quốc hội chấp thuận đầu tư đối với các dự án:

– Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

  • Nhà máy điện hạt nhân
  • Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục địch sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

– Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên

– Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác

– Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

* Thủ tướng chính phủ chấp thuận đầu tư với các dự án:

– Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 trở lên ở miền núi, từ 20.000 trở lên ở vùng khác
  • Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên
  • Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không
  • Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I
  • Dự án đầu tư chế biến dầu khí
  • Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài
  • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô, diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.
  • Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất

– Dự án đầu tư của nhà đầu nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí.

– Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên.

– Dự án đầu tư khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng chính phủ theo quy định của pháp luật.

* Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

– Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai

– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50.000 người; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha và quy mô dân số dưới 10.000 người tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt.; dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt.

– Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf).

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

–  Trường hợp các dự án trên thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chấp thuận chủ trương đầu tư.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo Điều 39 Luật Đầu tư 2020 và Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau:

* Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với:

– Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Đầu tư 2020

– Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.

* Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau:

– Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên

– Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế

– Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu hoặc không thuộc phạm vi quản ly của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

*  Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 Luật Đầu tư 2020.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm: Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư.

Trên đây là tư vấn của Luật KeyPoint, nếu quý khách hàng còn chưa rõ hoặc cần hỗ trợ vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.  Rất mong nhận được sự hơp tác!