Mục lục bài viết
- 1. Hợp đồng liên qoan với nước ngoài
- 2. Hợp đồng hàng hải (Vận đơn, Hợp đồng thuê tàu)
- 3. Các vấn đề cần quan tâm đối với hợp đồng liên doanh, hợp đồng hàng hải
- 3.1 Thỏa thuận với cơ quan giám định hàng hóa trước khi gửi
- 3.2 Thỏa thuận với các cơ quan hải quan
- 3.3 Các quyền của nhà nhập khẩu trong tranh chấp về định giá với cơ quan hải quan
- 3.4 Thỏa thuận tín dụng chứng từ
- 3.5 Ký hợp đồng lao động
- 3.6 Thỏa thuận về quốc gia hoặc cơ quan nhà nước có liên quan
Bài viết phân tích một số vấn đề pháp lý cần đặc biệt quan tâm liên quan đến hợp đồng liên doanh với nước ngoài hoặc hợp đồng hàng hải (vận chuyển hàng hóa) với đối tác nước ngoài để quý khách hàng lưu tâm trong quá trình soạn thảo, ký kết và thực hiện để tránh phát sinh tranh chấp hoặc khi phát sinh tranh chấp không bị những bất lợi về pháp lý có thể dự liệu được, cụ thể:
1. Hợp đồng liên qoanh với nước ngoài
Bởi các dự án kinh doanh lớn thường được hiểu dưới dạng một hợp đồng liên doanh giữa các công ty khác nhau, có trụ sở tại các nước khác nhau, nên việc soạn thảo hợp đồng liên doanh liên quan tới hàng loạt các vấn đề. Các vấn đề này bao gồm:
– Đóng góp của mỗi bên tham gia vào công ty liên doanh;
– Sản xuất và khai thác cácli-xăng;
– Thu xếp trợ giúp kỹ thuật;
– Cung cấp và đào tạo cán bộ có chất lượng;
– Các đơn vị tiền tệ và phương thức thanh toán; và
– Chấm dứt liên doanh.
Cấu trúc phức tạp của một hợp đồng liên doanh quốc tế đòi hỏi có một phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp. Một toà án quốc gia không phải là nơi tốt nhất để giải quyết tranh chấp này bởi tranh chấp có thể liên quan tới nhiều hệ thống luật pháp khác nhau. Một hội đồng trọng tài quốc tế với kinh nghiệm thực tế có thể phù hợp hơn để giải quyết các tranh chấp này. Tuy nhiên, các bên không nhất thiết lúc nào cũng phải dựa vào tố tụng trọng tài đầy đủ để giải quyết các tranh chấp này.
2. Hợp đồng hàng hải (Vận đơn, Hợp đồng thuê tàu)
Thực tế, việc vận chuyển hàng hoá quốc tế vẫn chủ yếu được thực hiện bằng đường biển nên các hợp đồng hàng hải chiếm vị trí quan trọng trong các giao dịch thương mại quốc tế. Các hợp đồng này không luôn luôn liên quan trực tiếp tới nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.
Thông lệ trong ngành hàng hải là đưa các tranh chấp ra giải quyết tại Luân-đôn (thông qua Hiệp hội trọng tài hàng hải Luân-đôn – the London Maritime Arbitration Association), hoặc Niu-oóc (thông qua Hội trọng tài hàng hải – the Society of Maritime Arbtration). Tuy nhiên, cũng có những trung tâm trọng tài có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp hàng hải như Hiệp hội sở giao dịch thuê tàu Nhật Bản (the Japan Shipping Exchange Association), Toà án trọng tài hàng hải Mátxcơva (the Moscow Maritime Arbitration Court), Trung tâm trọng tài hàng hải Gdynia Balan (the Gdynia Maritime Arbitration Centre) và Phòng trọng tài hàng hải Paris (the Chambre Arbitrale Maritime de Paris). Các thoả thuận trọng tài liên quan tới hợp đồng thuê tàu (hợp đồng giữa người thuê tàu sử dụng toàn bộ hoặc phần quan trọng của một con tàu và chủ tàu) thường có trong các mẫu hợp đồng chuẩn và rất ít khi được đàm phán.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu và nhập khẩu nên nhận thức rằng một số vận đơn (các chứng từ chứng minh đã nhận hàng để vận chuyển, do người chuyên chở cấp) viện dẫn các điều khoản trọng tài hàng hải, hoặc điều khoản đề cập tới các toà án quốc gia. Hiệu lực của sự viễn dẫn đó đã gây ra nhiều tranh chấp. Vận đơn là các hợp đồng vận tải quyết định hàng hoá được chuyên chở như thế nào, khi nào thì bốc hàng, khi nào hàng đến cảng đích và đôi khi quyết định cả chất lượng hàng hoá chuyên chở được kiểm tra ở đâu và như thế nào.
Thời gian thường là vấn đề cốt lõi trong các tranh chấp hàng hải, đặc biệt là hàng hoá có thể hỏng nhanh và bởi có thể trả tiền phạt dỡ chậm khi tàu đến chậm hơn thời gian dự kiến. Các toà án quốc gia thường không phù hợp để giải quyết nhanh chóng bản chất của các tranh chấp này, mặc dù sự can thiệp của các toà án quốc gia có thể rất quan trọng khi cần phải có các biện pháp khẩn cấp tạm thời như hạn chế một bên di chuyển tài sản khỏi một khu vực nhất định, bắt giữ tàu hoặc chỉ định chuyên gia.
Đôi khi, các bên đã không ký hợp đồng, hoặc đã không thể ký hợp đồng, bởi phải có hành động khẩn cấp, ví dụ trong trường hợp phải cứu hộ tàu. Theo thông lệ của một số cảng, khi không có chứng từ bằng văn bản, các bên có thể vẫn bị ràng buộc bởi một thoả thuận trọng tài, đơn giản trên cơ sở chấp thuận miệng một số trợ giúp nhất định.
3. Các vấn đề cần quan tâm đối với hợp đồng liên doanh, hợp đồng hàng hải
Mỗi một dạng hợp liên doanh, hợp đồng hàng hải có những đặc thù riêng biệt, vì vậy chúng tôi chỉ dự thảo các vấn đề cần lưu tâm khi ký kết và thực hiện các dạng hợp đồng này bao gồm:
3.1 Thỏa thuận với cơ quan giám định hàng hóa trước khi gửi
Ở trên 30 nước đang phát triển, các nhà nhập khẩu và các bộ phận mua sắm của chính phủ không được phép nhập khẩu hàng hoá nếu trước khi gửi hàng không có giấy chứng nhận về số lượng, chất lượng và giá cả hàng hoá do cơ quan giám định hàng hoá trước khi gửi tại nước nhà xuất khẩu cấp.
Các chính phủ đã sử dụng biện pháp này để kiểm soát việc định giá hàng không đúng với giá trị thực tế. Thực tế, nhà nhập khẩu sẽ hướng dẫn nhà xuất khẩu để nhận chứng chỉ “báo cáo bằng chứng sạch” (“clean report of findings” certificate) của cơ quan giám định hàng hoá trước khi gửi do chính phủ uỷ quyền.
Sự can thiệp của các cơ quan giám định hàng hoá trước khi gửi vào việc bắt buộc thẩm tra giá cả đã thoả thuận giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu đã gây cho các doanh nhân mối lo ngại. Năm 1995, Hiệp định giám định hàng hoá trước khi gửi của Tổ chức thương mại thế giới (the Agreement on Preshipment Inspection of the World Trade Organization) đã có hiệu lực nhằm cố gắng cân bằng giữa lo ngại của các nhà xuất khẩu ở những nước đang phát triển và lợi ích của các nước đang phát triển, những nước coi các dịch vụ giám định hàng trước khi gửi là hữu ích.
Hiệp định giám định hàng hoá trước khi gửi cũng đặt ra một cơ chế thường trực để xem xét khiếu nại của các nhà xuất khẩu về các phán quyết trọng tài hoặc các quyết định sai trái. Đây là quy trình hai giai đoạn.
Thứ nhất, một nhà nhập khẩu có thể phản đối quyết định của một cơ quan giám định hàng hoá trước khi gửi bằng một văn bản gửi tới bộ phận hành chính của cơ quan đó.
Thứ hai, nếu vẫn chưa thoả mãn trong hai ngày làm việc sau khi nộp đơn phản đối, nhà nhập khẩu có thể đưa tranh chấp ra một “Cơ quan độc lập” (“Independent Entity”), cơ quan này sẽ xem xét lại quyết định một cách độc lập và chỉ định một hoặc ba chuyên gia. “Cơ quan độc lập”, do Hiệp hội các cơ quan giám định quốc tế (the International Federation of Inspection Agencies – IFIA) và ICC đồng chỉ định, đã được thành lập như một cơ quan phụ trợ của Hội đồng thương mại hàng hoá của Tổ chức thương mại thế giới (the WTO Council for Trade in Goods), và có trụ sở tại Ban thư ký WTO tại Giơnevơ, Thuỵ Sĩ. (Muốn biết thêm chi tiết, bạn có thể liên hệ: the World Trade Organization, Centre William Rappard, 154 rue de Lausanne, 1211 Geneva 21, Switzerland. Tel: +41 22 739 51 11.)
Trong thời hạn mở rộng 21 ngày, (các) chuyên gia phải xác định các bên trong tranh chấp đã tuân thủ Hiệp định giám định hàng hoá trước khi gửi chưa. Hai bên cùng phải trả các chi phí trên cơ sở nội dung vụ việc. Quyết định của các chuyên gia về phân chia các chi phí theo tính chất của vụ việc, buộc cơ quan giám định hàng hoá trước khi gửi và nhà nhập khẩu phải theo.
3.2 Thỏa thuận với các cơ quan hải quan
Tranh chấp giữa nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu với các cơ quan hải quan về cơ bản được chia làm hai loại: phân loại và định giá.
Các vấn đề về phân loại liên quan đặc biệt tới tài chính. Bởi phân loại có nghĩa là quyết định sẽ áp dụng mức thuế nào cho một sản phẩm. Hơn nữa, với những tranh chấp trong lĩnh vực nào thì vẫn chưa tìm ra một phương thức giải quyết nhanh chóng.
Từ khi được Tổ chức hải quan thế giới ban hành năm 1988 (the World Customs Organization – WCO), thuật ngữ Hệ thống hài hoà (the Harmonized System – HS) đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Hệ thống hài hoà bao gồm 5.000 nhóm hàng, mỗi nhóm được đánh mã sáu chữ số. Không thể tránh khỏi có quan điểm khác nhau về những mặt hàng đặc thù nên giải quyết thế nào theo Hệ thống hài hoà. Hơn nữa, khoa học và công nghệ luôn tạo ra nhiều sản phẩm mới không có trong Hệ thống hài hoà đã ban hành. Hiện nay, toà án hoặc các cơ quan hành chính ở những quốc gia khác nhau trên toàn thế giới có các cách giải thích và quyết định về phân loại hàng hoá rất phong phú của riêng họ.
Chịu trách nhiệm sửa đổi và giải thích thuật ngữ HS, WCO tổ chức diễn đàn quốc tế chỉ giải quyết các vấn đề phân loại thuế quan quốc tế. Ngược với quyền được sửa đổi thuật ngữ HS, vai trò của WCO trong việc giải thích thuật ngữ HS chỉ có tính chất tư vấn. Hơn nữa, các vấn đề về phân loại chỉ liên quan giữa các chính phủ, chứ không phải do các công ty tư nhân, với WCO. Uỷ ban Hệ thống hài hoà của WCO họp một năm 2 lần, đưa ra các ý kiến về phân loại không có giá trị bắt buộc mà chỉ đơn thuần là tư vấn. Vì vậy, hiện nay, các tranh chấp về phân loại phải đưa ra các toà án quốc gia và các cơ quan hành chính để phân xử theo các quy tắc, luật lệ và thủ tục hiện hành có cách giải thích về phân loại rất khác nhau.
Các tranh chấp về định giá hàng hoá có bản chất hơi khác một chút. Hiệp định định giá thuế quan của Tổ chức thương mại thế giới (the WTO Agreement on Customs Valuation), có hiệu lực từ năm 1995, đặt ra quy tắc cơ bản là giá trị phải đóng thuế là giá giao dịch (ví dụ: giá trong hoá đơn). Khoảng 50 nước đang phát triển đã viện dẫn một điều khoản của Hiệp định 1995, cho phép họ hoãn thực hiện hệ thống này trong vòng 5 năm, sau đó có thể tiếp tục gia hạn thêm thời gian này (từ tháng 1 năm 2000).
Hiệp định công nhận giá một sản phẩm của các nhà nhập khẩu khác nhau có thể khác nhau. Dù có đúng như thế, hải quan có thể bác giá trị giao dịch nếu họ có lý do để nghi ngờ tính trung thực hoặc độ chính xác của giá hàng hoá nhập khẩu đã khai (ví dụ: trong hoá đơn ghi giá thấp hơn giá thực tế). Trong những trường hợp đó, nên cho nhà nhập khẩu một cơ hội công bằng để chứng minh giá hàng đã khai.
Trong hoàn cảnh đó, Hiệp định quy định mỗi thành viên WTO phải:
· Thông qua yêu cầu bằng văn bản, nhà nhập khẩu có quyền nhận được giải thích (cũng bằng văn bản) từ cơ quan hải quan về giá trị thuế của hàng hoá nhập khẩu đã được xác định như thế nào.
· Theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, cơ quan hải quan sẽ thông báo các lý do từ chối chấp nhận giá do nhà nhập khẩu khai báo và cho nhà nhập khẩu một cơ hội hợp lý để trả lời.
3.3 Các quyền của nhà nhập khẩu trong tranh chấp về định giá với cơ quan hải quan
Hiệp định định giá thuế quan của Tổ chức thương mại thế giới năm 1995 (the 1995 WTO Agreement on Customs Valuation) có nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi của các nhà nhập khẩu trong trường hợp họ không đồng ý cơ quan hải quan từ chối chấp nhận giá trị giao dịch mà nhà nhập khẩu đã khai:
Điều …
Tất cả các thông tin về bản chất là bí mật hoặc được cung cấp bí mật trong định giá thuế quan sẽ được các cơ quan liên quan giữ bí mật nghiêm ngặt, các cơ quan này sẽ không tiết lộ thông tin mà không có sự cho phép rõ ràng của người hoặc chính phủ cung cấp thông tin đó, trừ trường hợp thông tin có thể được yêu cầu trong các vụ kiện ở toà.
Điều …
1. Pháp luật của mỗi Thành viên cho nhà nhập khẩu hoặc bất kỳ người nào chịu trách nhiệm nộp thuế quyền phản kháng việc xác định giá trị thuế quan mà không bị trừng phạt.
2. Quyền phản kháng mà không bị trừng phạt có thể thực thi đối với một bộ phận trong cơ quan hải quan hoặc với một cơ quan độc lập, nhưng luật pháp của mỗi Thành viên không cho quyền phản kháng một cơ quan pháp luật mà không bị phạt.
3. Thông báo quyết định về việc phản kháng được gửi cho người phản kháng và các lý do của quyết định đó được cung cấp bằng văn bản. Người phản kháng cũng được thông báo về các quyền được tiếp tục phản kháng.
Điều …
Thông qua yêu cầu bằng văn bản, nhà nhập khẩu có quyền nhận lời giải thích bằng văn bản từ cơ quan hải quan của nước nhập khẩu về giá trị thuế quan hàng hoá nhập khẩu đã được xác định như thế nào.
– Nhà nhập khẩu có quyền phản kháng mà không bị trừng phạt; và
– Quyền phản kháng chỉ có thể thực thi với cơ quan hải quan hoặc một cơ quan độc lập nhưng không có quyền phản kháng mà không bị trừng phạt với một cơ quan pháp luật.
Hơn nữa, nhà nhập khẩu có thể thấy rằng bất kỳ thông tin bí mật nào ở cơ quan hải quan sẽ được giữ bí mật.
Cũng nên lưu ý là cơ quan hải quan có thể yêu cầu nộp thuế đầy đủ trước khi phản kháng.
3.4 Thỏa thuận tín dụng chứng từ
Khi một bên đã thực hiện việc thanh toán thông qua thư tín dụng, tranh chấp có thể phát sinh liên quan đến liệu các chứng từ có phù hợp với quy định hợp đồng và/hoặc Quy tắc và thực hành tín dụng chứng từ thống nhất (the Uniform Customs and Practice for Documentary Credits – UCP) do Phòng thương mại quốc tế xuất bản.
Từ năm 1998, các tranh chấp về tín dụng chứng từ có thể giải quyết thông qua ý kiến bắt buộc hoặc không bắt buộc thi hành của một hoặc một nhóm chuyên gia theo thủ tục DOCDEX của Phòng thương mại quốc tế.
3.5 Ký hợp đồng lao động
Trong khi luật pháp hầu hết các quốc gia quy định tranh chấp lao động do các toà án quốc gia giải quyết, một số nước cho phép giải quyết tranh chấp lao động bằng các phương thức giải quyết lựa chọn, bao gồm trọng tài, trung gian và hoà giải.
Trong các vụ kiện quốc tế, yêu cầu đưa tranh chấp lao động ra toà án quốc gia thường được pháp luật các quốc gia ủng hộ. Vì vậy, điều quan trọng đối với các doanh nhân là chọn phương thức giải quyết tranh chấp lao động phù hợp, đặc biệt khi thuê lao động ở nước ngoài, hoặc khi gửi lao động ra nước ngoài hoặc thuê lao động người nước ngoài.
3.6 Thỏa thuận về quốc gia hoặc cơ quan nhà nước có liên quan
Giao dịch thương mại quốc tế không chỉ diễn ra giữa các công ty tư nhân. Trong các hợp đồng thương mại quốc tế thường xuyên có sự liên quan của cơ quan nhà nước (hoặc chính Quốc gia). Ví dụ, một dự án xây dựng có thể trực tiếp do chính phủ một nước hoặc cơ quan nhà nước thiết lập và họ có thể quyết định mua sắm hàng hoá ở nước ngoài.
Nếu hợp đồng do Quốc gia hoặc cơ quan nhà nước ký, đối tác hợp đồng sẽ phải kiểm tra:
– Liệu cơ quan nhà nước đó có thể, theo luật của nhà nước đó, chấp nhận các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn hoặc trọng tài để giải quyết tranh chấp không; và nếu có
– Thoả thuận có thể được ký theo những điều kiện gì và do ai ký.
Việc kiểm tra những điểm này trước lúc ký hợp đồng có thể tránh các cuộc thảo luận khó khăn sau khi tranh chấp đã phát sinh.
Luật KeyPoint (tổng hợp & phân tích)