NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI VÀ LI-XĂNG CÓ GIỐNG NHAU KHÔNG?

Nhượng quyền thương mại li – xăng hiện đang là hai hình thức phổ biến để chuyển giao, cho phép người khác sử dụng các đối tượng SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP của mình. Vậy làm thế nào để phân biệt hai loại hình trên? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin để có thể hiểu rõ hơn những quy định về vấn đề trên.

Hoạt động nhượng quyền thương mại là gì?

Căn cứ theo Điều 284 Luật thương mại 2005 quy định nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  • Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  • Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Hoạt động li – xăng là gì?

Điều 141 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (hay còn gọi là li – xăng) là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.

Nhượng quyền thương mại và li – xăng có giống nhau không?

Điểm tương đồng

Nhượng quyền thương mại và chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp (li – xăng) giống nhau ở điểm cả hai đều có hoạt động chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ, đều có bên giao và bên nhận.

Điểm khác biệt

  • Về đối tượng chuyển giao

Như đã nói, đối tượng mà hoạt động li-xăng hướng đến chính là quyền sở hữu công nghiệp. Dựa theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Còn với nhượng quyền thương mại thì phạm vi tương đối mở rộng hơn. Vì thế mà đối tượng chuyển giao có thể là các quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, công thức, mô hình kinh doanh…

  • Về quyền kiểm sát sau khi giao, chuyển nhượng

Điểm khác biệt nổi trội giữa hai phương thức này chính là trong vấn đề kiểm soát của bên chuyển nhượng. Với li – xăng thì bên chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp không có hoặc chỉ có quyền kiểm soát trong trường hợp cần thiết và trong phạm vi hẹp được giới hạn bởi luật định. Còn với nhượng quyền thương mại thì bên nhượng quyền vẫn có quyền kiểm soát để đảm bảo việc tổ chức kinh doanh đúng như bên nhượng quyền yêu cầu.

  • Về giới hạn của chuyển giao, chuyển nhượng

Với nhượng quyền thương mại sẽ không giới hạn quyền của bên chuyển quyền. Riêng đối với bên nhượng quyền thì chỉ được chuyển nhượng cho bên thứ ba nếu bên chuyển quyền đồng ý. Ngược lại thì trong li – xăng các bên không được chuyển quyền cho bên thứ ba trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.

  • Về sự hỗ trợ của bên chuyển giao, chuyển nhượng

Đây cũng là một yếu tố để phân biệt nhượng quyền thương mại và li – xăng. Bên nhượng quyền thương mại vẫn sẽ hỗ trợ thường xuyên, liên tục cho bên nhận quyền để đảm bảo hệ thống kinh doanh vận hành theo đúng lộ trình ban đầu do bên nhượng quyền đề ra, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung ứng. Đồng thời bên nhượng quyền có quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động. Trái lại thì trong hoạt động li – xăng, bên chuyển giao quyền sử dụng thường chỉ hỗ trợ theo thỏa thuận nhưng tương đối hạn chế như hỗ trợ về dữ liệu, kĩ thuật,…

Thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại

Thủ tục

Pháp luật quy định trước khi tiến hành nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công thương (nếu là nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc ngược lại) hoặc Sở Công thương (nhượng quyền trong nước). Cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm định hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại trong vòng 5 ngày làm việc và vào sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và thông báo bằng văn bản cho bên nhượng quyền về việc đăng ký đó.

Hồ sơ

Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại bao gồm:

  • Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương);
  • Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM;
  • Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam;
  • Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
  • Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.

Leave a Reply