Các trường hợp phải xin phép đầu tư ra nước ngoài
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam không chỉ mở cửa để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà còn khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin phép đầu tư theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý
- Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;
- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 03 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Hình thức đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau:
- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
- Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Các trường hợp phải xin phép đầu tư ra nước ngoài
Các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài đều thuộc trường hợp phải xin phép đầu tư thông qua việc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
- Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư;
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã;
- Tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;
- Hộ kinh doanh đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp;
- Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lưu ý: Đối với một số dự án đầu tư, trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần phải thực hiện thủ tục xin chấp nhận chủ trương đầu tư từ Nhà nước.
* Quốc hội chấp nhận chủ trương đầu tư ra nước ngoài với các dự án đầu tư sau:
- Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
- Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
* Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư ra nước ngoài với các dự án đầu tư sau:
- Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
- Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Đối với dự án thuộc diện chấp nhận chủ trương đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư nộp Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các tài liệu sau:
- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: hình thức, mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; xác định sơ bộ vốn đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn; tiến độ thực hiện dự án, các giai đoạn đầu tư (nếu có); phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư của dự án;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép;
- Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư
- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề đầu tư nước ngoài có điều kiện, nhà đầu tư nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có);
- Đối với doanh nghiệp Nhà nước cần nộp kèm Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước hoặc quyết định đầu tư ra nước ngoài;
- Các tài liệu liên quan khác theo quy định tại Điều 75 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Đối với dự án không thuộc diện chấp nhận chủ trương đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư nộp Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các tài liệu sau:
- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư;
- Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng;
- Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư
- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề đầu tư nước ngoài có điều kiện, nhà đầu tư nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có);
- Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 73 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
- Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 74 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài
Đối với dự án thuộc diện chấp nhận chủ trương đầu tư nước ngoài
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư.
Đối với dự án không thuộc diện chấp nhận chủ trương đầu tư ra nước ngoài
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Mọi câu hỏi về hồ sơ, trình tự, thủ tục xin phép đầu tư ra nước ngoài của khách hàng vui lòng liên hệ Dịch vụ Tư vấn pháp luật Luật KeyPoint để được hỗ trợ nhanh chóng, chính xác nhất