Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm tranh chấp thương mại quốc tế
  • 2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng Toà án
  • 3. Thời hạn khiếu nại vi phạm và thời hiệu khởi kiện tranh chấp:
  • 4. Trình tự giải quyết tranh chấp thương mại  quốc tế tại Toà án:
  • 5. Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án

1. Khái niệm tranh chấp thương mại quốc tế

Theo từ điển Tiếng Việt: “Tranh chấp là tranh giành nhau một cách giằng co cái không rõ thuộc về bên nào” hoặc “đấu tranh giằng co khi có ý kiến bất đồng, thường là trong vấn đề quyền lợi giữa hai bên”

Theo Black’s Law Dictionary: “Tranh chấp được hiểu là mâu thuẫn hay bất đồng về các yêu cầu hay quyền lợi giữa các bên; sự đòi hỏi về yêu cầu hay quyền lợi của một bên bị đáp lại bởi một yêu cầu hay lập luận trái ngược từ bên kia

Như vậy, có thể hiểu tranh chấp thương mại quốc tế là: các mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ thương mại quốc tế.

 

2.Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng Toà án

Toà án quốc gia sẽ có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế khi:

– Các bên có liên quan thoả thuận bằng một điều khoản trong hợp đồng (điều khoản giải quyết tranh chấp)

– Điều ước quốc tế có liên quan quy định

– Sau khi tranh chấp phát sinh, các bên thoả thuận bằng văn bản lựa chọn Toà án cụ thể có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp

Đồng thời Toà án nhận được đơn khởi kiện phải có nghĩa vụ thẩm tra, xác nhận thẩm quyền xét xử của mình.

 

a.  Thẩm quyền theo loại việc của Tòa án

Để phân định thẩm quyền giữa các bộ phận hệ thống Toà án và phụ thuộc vào mô hình tổ chức hệ thống Toà án của các nước, các tranh chấp khác nhau được giải quyết ở những Toà án chuyên biệt khác nhau như các Toà án chuyên biệt về thương mại, lao động, hành chính, đất đai, nhà ở,… cần chia thẩm quyền của toà án theo từng loại việc.

Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Điều này được quy định tại Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015.

Theo quy định tại Điều 30  Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2015 thì những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án đã được hoàn thiện bổ sung nhằm làm rõ các tranh chấp về kinh doanh thương mại phù hợp với Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp. Cụ thể:

1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.

4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền Toà án khi giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế không chỉ được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 cũng quy định về thẩm quyền xét xử của Toà án Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến hàng hải quốc tế, theo quy định tại khoản 2 điều 5: Quyền thoả thuận trong hợp đồng.

2. Các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong quan hệ hợp đồng và chọn Trọng tài, Tòa án ở một trong hai nước hoặc ở một nước thứ ba để giải quyết tranh chấp

Tuỳ từng trường hợp vụ việc liên quan đến tranh chấp hàng hải quốc tế, tuỳ vào việc pháp luật quy định và sự thoả thuận của các bên để xác định Toà án có thẩm quyền. Cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế có thể là Toà án Việt Nam hay Toà án một nước ngoài cụ thể.

 

b. Thẩm quyền theo cấp xét xử của tòa án

Thẩm quyền theo cấp xét xử của tòa án là giới hạn do pháp luật quy định để tòa án các cấp thực hiện chức năng giải quyết các tranh chấp thương mại. Thông thường thẩm quyền của tòa án các cấp được phân chia căn cứ vào giá trị tranh chấp, tính chất của sự việc và khả năng, điều kiện của từng cấp tòa án. Tại Việt Nam hệ thống Toà án nhân dân được phân chia theo địa giới hành chính lãnh thổ tương ứng với ba cấp thẩm quyền: TAND cấp huyện; TAND cấp tỉnh, TAND tối cao.

Theo hệ thống pháp luật Việt Nam, thẩm quyền của tòa án theo cấp, giải quyết tranh chấp thương mại được quy định tại  Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015, cụ thể:

– Thẩm quyền Tòa án cấp huyện: Chủ yếu giải quyết các tranh chấp thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015 theo thủ tục sơ thẩm tuy nhiên các tranh chấp nói trên nếu có một trong các yếu tố như: có đương sự ở nước ngoài; có tài sản ở nước ngoài; hay phải uỷ thác tư pháp; thì sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Các tranh chấp về thương mại quốc tế chủ yếu được thụ lý xét xử sơ thẩm ở TAND cấp tỉnh và xét xử phúc thẩm tại TAND tối cao.

Việc quy định như trên cũng đảm bảo về năng lực hiện tại đối với Toà án các cấp. Bởi khi thụ lý các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, có nhiều tính chất đặc biệt vậy nên việc quy định thụ lý xét xử sở thẩm từ TAND cấp tỉnh là điều kiện để bảo đảm kết quả cuối cùng được minh bạch, cụ thể, khách quan.

Toà án tại Việt Nam cũng có quyền từ chối thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế trong các trường hợp như: trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết đối với vụ việc đã có bản án, quyết định của Toà án nước ngoài và nước có Toà án ra bản án, quyết định đó với Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế quy định việc công nhận và thi hành bản án.

 

c. Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ

Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ là giới hạn (khả năng) do pháp luật quy định xác định chức năng giải quyết các vụ việc Kinh doanh thương mại của tòa án theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ quy định tòa án có nghĩa vụ giải quyết các vụ việc Kinh danh thương mại theo yêu cầu của đương sự khi khởi kiện. Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ tại Việt Nam trong giải quyết tranh chấp thượng mại quốc tế được xác định: nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là tổ chức, cơ quan; theo sự lựa chọn của đương sự; đối với tranh chấp liên quan đến bất động sản thì tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi có bất động sản.

 

3. Thời hạn khiếu nại vi phạm và thời hiệu khởi kiện tranh chấp:

a. Thời hạn khiếu nại vi phạm:

Thời hạn khiếu nại chia làm hai loại thời hạn khiếu nại theo luật định và thời hạn khiếu nại quy ước.

Thời hạn khiếu nại theo luật định là thời hạn khiếu nại được quy định trong luật mà các bên đương sự phải tuân theo, không được làm khác đi. Thời hạn khiếu nại được quy định trong điều ước quốc tế về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là thời hạn khiếu nại do luật định. Chẳng hạn Điều 49 Công ước La Haye 1964 về mua bán quốc tế những động sản hữu hình quy định thời hạn khiếu nại về phẩm chất hàng hóa là từ lúc người mua thông báo cho người bán biết về hàng không phù hợp. Theo Điều 39 của Công ước thì người mua phải thông báo cho người bán biết về hàng không phù hợp trong một thời gian ngắn kể từ lúc phát hiện ra khuyết tật của hàng hay đáng lẽ phải phát hiện.

Theo Điều 39 Công ước Viên của Liên hợp quốc năm 1980 về mua bán quốc tế hàng hóa, thời hạn khiếu nại về hàng không phù hợp là 2 năm kể từ ngày hàng đã thực sự được giao cho người mua.

Theo Điều 318 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005, thời hạn khiếu nại là 3 tháng đối với khiếu nại về số lượng. Trong trường hợp hàng có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là 3 tháng kể từ ngày hết thời hạn bảo hành; 6 tháng (kể từ ngày giao hàng) đối với khiếu nại về chất lượng và 9 tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.

Thời hạn khiếu nại quy ước là thời hạn khiếu nại do các bên quy định trong hợp đồng. Việc quy định thời hạn khiếu nại ngắn hay dài là do các bên tự thỏa thuận quyết định, nhưng trong thực tế thì thời hạn khiếu nại quy ước thường ngắn hơn thời hạn khiếu nại do luật định.

 

b. Thời hiệu khởi kiện: 

Thời hiệu khởi kiện có thể được quy định trong các điều ước quốc tế hoặc luật quốc gia ví dụ như theo Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 Luật này”.

 

4. Trình tự giải quyết tranh chấp thương mại  quốc tế tại Toà án:

Theo Điều 191 BLTTDS 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Thẩm phán chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án.

Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai, khách quan.

 

5. Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án

Thủ tục giải quyết căn cứ theo Điều 683 Bộ luật dân sự năm 2015 về hợp đồng, theo đó:

– Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.

– Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. Do đó, khi có tranh chấp, Tòa án sẽ xác định dựa vào luật mà các bên thỏa thuận áp dụng.

– Mức án phí xác định theo Danh mục mức án phí, lệ án phí được quy định tại Nghị quyết 326/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thường phức tạp, lâu dài và không có tính bảo mật thông tin cao. Các bên nên cân nhắc để chọn lựa giải pháp tốt ưu nhất cho doanh nghiệp mình.